THẾ GIỚI QUANH TA (34)

THẰNG ĐAO

– Truyện ngắn Kiều Đắc Thềm

Thằng Đao tay cầm cái gậy có cột  tấm vải trắng ở một đầu, miệng ngậm cái tu huýt. Nó đứng ở chỗ vạch sơn dành cho người đi bộ. Phía sau nó là một đám người già, trẻ, lớn, bé… Họ nắm tay nhau và chờ thằng Đao như đội quân đang chờ lênh xuất phát của cấp chỉ huy. Dòng thác xe cộ cứ vùn vụt vùn vụt… Thằng Đao liên tục đảo mắt để tìm cơ hội. Đoàn người phía sau nó mỗi lúc một đông. Họ nóng ruột xô đẩy nhau thúc vào lưng nó. Nó hiểu rõ tâm trạng của họ chứ. Nhưng, nó đành chịu vì xe nhiều quá. Rồi nó đánh liều. Nó huýt một hồi còi dài, tay đưa cao cây gậy có cột tấm vải trắng lên và băng qua đường.

Tiếng còi vẫn không ngừng vang lên. Đoàn người phía sau nhanh chân bước theo. Nó lách mình qua những chiếc xe đứng khít khịt. Cuối cùng thì đoàn người cũng sang được một cách an toàn bên này đường để đi đến những nơi cần thiết mà họ đã định hướng từ trước. Thằng Đao lại tiếp tục dẫn một đoàn người khác sang bên kia. Nó như một người lái đò, hết đưa lớp người này lại đưa lớp người khác. Chỉ khác một điều là người lái đò thì có tiền thù lao còn nó thì không nhận được gì – ngay cả một lời cám ơn hay một ánh mắt trìu mến.Mà nó cũng không hề nghĩ đến điều đó. Nó hồn nhiên như một đứa trẻ. Mà nó là một đứa trẻ thực – cho dù tuổi đời của nó đã hơn 20. Mặt nó ngố ngố – đặc điểm của những đứa trẻ mắc bệnh down. Và người ta liền đặt tên cho nó là Đao.

Thằng Đao. Người ta luôn gọi nó như thế. Tuy gọi vậy, nhưng không một ai có ý coi thường nó. Ai cũng quý mến và thương nó vì nó hiền lành, hay giúp đỡ người khác. Nó bị mắc bệnh down nhưng ở dạng nhẹ nên còn tỉnh táo, chỉ bị cái bề ngoài không được đẹp thôi. Cả ngày nó lang thang ngoài đường. Ghé chỗ này một tí, chỗ kia một tẹo. Người ta chọc ghẹo thì toét miệng cười. Hành trang của nó là một cái còi, một cây gậy có cột miếng vải trắng ở một đầu, một cái mũ lưỡi trai đã bạc màu. Nó thường phụ giúp các chú công an, các chú dân phòng điều tiết giao thông. Nó làm các động tác thuần thục như một người đã được đào tạo qua trường lớp hẳn hoi.

Nhìn cách nó làm việc, người ta thấy rõ sự đam mê của nó.Nhìn khuôn mặt cố tỏ ra oai vệ của nó , không ai có thể nhịn cười được.

Nhà nó ở sát quốc lộ 13, cửa ngõ đi vào thành phố, lại có đường xe lửa chạy qua nên nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên. CSGT và DP hết sức vất vả trong việc điều hành giao thong – nhất là vào giờ cao điểm. Việc băng qua đường của khách bộ hành cũng khó khăn không kém. Vì thế, thằng Đao luôn có mặt bên cạnh họ để giúp đỡ. Khi tiếng còi của nó cất lên là lúc bà con yên tâm băng qua đường. Lúc đó, nó như một chiến binh quả cảm ngoài chiến trường, dùng thân mình để che chắn hòn tên mũi đạn cho người khác  được anh lành.

Nó là con đầu lòng của một gia đình lao động nghèo. Ba nó chạy xe ôm. Má nó buôn thúng bán bưng ngoài chợ Bình Triệu. Khi nó ra đời, má nó đã khóc hết nước mắt. Ba nó thì lặng im nhìn nó. Có người trách tại sao không đi khám định kỳ để biết trước mà bỏ nó đi. Đi khám định kỳ ư ? Đầu tắt mặt tối với miếng cơm manh áo còn chưa xong làm gì có thời gian để đi bệnh viện. Hơn thế, mỗi lần đi khám bệnh tốn tiền tốn bạc lắm, làm sao kham nổi. Thôi,trời cho sao thì nhận vậy. Họ đã vượt lên trên sự sợ hãi, vượt lên trên  mặc cảm tự ty. Và thằng Đao đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba má. Nó còn hai đứa em, một trai và một gái. Cả hai đều bình thường như mọi đứa trẻ khác. Không chỉ bình thường về mặt thể lý, hai đứa em thằng Đao còn thông minh, học hành giỏi giang và hiếu thảo. Chúng rất thương anh Đao. Vì cha  mẹ bận lo sinh kế nên hai đứa đã thay nhau chăm sóc người anh bất hạnh một cách chu đáo.

Trong lúc ba má nó đi kiếm sống và hai đứa em đi học thì nó tham gia công việc dắt khách bộ hành qua đường. Ai cho nó tiền hoặc đồ ăn thức uống, nó đều lắc đầu từ chối. Trưa nó về nhà. Sau khi ăn uống nghỉ ngơi, nó lại ra ngoài tiếp tục công việc như một công chức cần mẫn.Y phục của nó luôn luôn tươm tất, sạch sẽ.

Sự xuất hiện của nó trên quãng đường này dần dần trở thành một sự hiển nhiên cần thiết. Mỗi lần thấy bóng dáng nó, người ta lại bông đùa ;

– Sếp đi làm hả ?

Không biết nó có hiểu gì không, chỉ thấy nó toét miệng cười thôi.

Không chỉ dắt người bộ hành qua đường, nó còn phụ giúp nhân viên công lực giữ gìn trật tự mỗi khi có tai nạn giao thông xảy ra.Nó ra hiệu cho xe dừng, xe chạy… như thể nó là một cảnh sát giao thông thực thụ vậy. Có một điều ngạc nhiên là người ta tuân theo hiệu lệnh của nó răm rắp nhờ vậy mà trật tự giao thông mau chóng được vãn hồi.

oOo

Hôm nay cũng như mọi ngày, thằng Đao lại tiếp tục làm công việc thường nhật của nó. Mật độ xe có ít hơn một chút nên công việc của nó cũng bớt khó khăn. Nó vẫn dẫn đầu đoàn người rồng rắn phía sau. Cứ mỗi hồi còi cất lên là một chuyến đò được bắt đầu. Bà con đi chợ. Trẻ em đi học. Thợ thuyền đi làm… Những hành khách của các chuyến tàu miễn phí vui vẻ, yên tâm, hài lòng vì sự tận tâm vô vị lợi của chủ nhân hồn nhiên, trong sáng. Cuối cùng thì một buổi sáng được kết thúc bằng chuyến tàu vét lúc gần 11 giờ trưa. Đường xá lúc này quang hơn. Thế nhưng, vận tốc của xe thì không giảm, vẫn vùn vụt chạy qua chạy lại. Khách đa số là trẻ em tan học. Có em có cha mẹ đi kèm. Có em đi một mình. Các em xúm xít sau lưng anh Đao. Sinh mạng các em đang nằm trong vòng tay nhân ái của anh Đao. Chúng nó cứ í ới gọi :

– “Anh Đao ơi ! Chờ em với ! Anh Đao ơi !… Anh Đao ơi !… Anh Đao ơi !…”

Những tiếng gọi thân thương, tin cậy. Chúng không còn trông thấy cái vẻ mặt ngô ngố buồn cười của anh Đao nữa. Chúng chỉ trông thấy lá cờ trắng trên đầu cây gậy của anh thôi. Lá cờ đó vừa mang ý nghĩa đầu hàng sự vô trật tự của phố xá, vừa mang màu sắc  của sự phục sinh khải hoàn. Và nó tạm nghỉ để trở về nhà ăn uống, ngủ nghỉ. Nụ cười hồn nhiên trên môi không bao giờ tắt.

Nó vừa quay lưng được vài bước bỗng nghe tiếng la thất thanh : “Trời ơi ! Con nhà ai thế kia ! Cứu ! Cứu ! Cứu !”. Thằng Đao quay lại nhìn. Giữa mặt lộ nóng bỏng, một đứa bé khoảng ba, bốn tuổi đang tìm cách băng qua đường. Không biết ba má nó ở đâu mà để cho nó đi như thế. Đứa bé cứ thụt ra, thụt vô mỗi khi xe chạy qua mặt. Tiếng la mỗi lúc một khẩn thiết : “Con nhà ai thế ? Ba má nó đâu rồi ? Cứu ! Cứu !…” Có những bước chân huỳnh huỵch chạy ra. Nhanh như một con sóc, thằng Đao vụt bay người ra mặt lộ. Nó ôm thằng bé vào lòng. Vừa lúc ấy, từ xa, một chiếc xe taxi vùn vụt lao tới. Và người ta nghe thấy một tiếng “Kít…” cùng một tiếng “rầm…” rợn người vang lên. Nhiều tiếng la to : “Chết ! Chết rồi ! Chết rồi ! Thằng Đao… Thằng Đao…”. Rồi rùng rùng một đám đông chạy ra.

Thằng Đao nằm bất động dưới gầm xe. Đầu nó vỡ tan. Những mảnh sọ văng tung tóe. Óc bầy nhầy đổ ra trên mặt đường .Đứa bé cũng bất tỉnh, nhưng trên người không có vết xây xát nào. Người ta bế nó lên. Mặt nó xám ngoét. Một phụ nữ trẻ cố gắng dạt đám đông để vào. Trông thấy thằng nhỏ, chị ta gào lên : “Trời ôi ! Con tôi !” rồi chị ta ngất xỉu….

oOo

Đám tang thằng Đao lớn chưa từng có ở khu phố này từ trước đến nay. Người đến phúng viếng đứng vòng trong vòng ngoài. Đó là những người đã từng đáp chuyến đò ngang của thằng Đao mỗi ngày. Những ngày sắp tới đây họ sẽ phải vất vả trong nỗi lo sợ mỗi khi băng qua đoạn đường luôn luôn có sự rình rập của hiểm nghèo, chết chóc. Thằng Đao đã từng là một cái khiên vững chắc che chắn cho họ. Nó là hiện thân của một thiên sứ. Mắt ai cũng đỏ hoe. Có người còn dắt theo cả con cái nữa. Những đứa trẻ này cũng mếu máo như thể vừa mất đi một người anh ruột thịt  đầy thương mến. Căn nhà cấp bốn nhỏ bé của ba má nó không đủ chỗ để chứa hết hằng hà sa số vòng hoa tươi trên đó có đính những dòng chữ nói lên lòng tiếc thương chân thật đối với người vừa nằm xuống .

Bức ảnh chân dung người quá cố đặt trên cỗ áo quan như mờ đi sau màn  khói nghi ngút dày đặc của những cây nhang cắm chi chít ở bát nhang phía trước quan tài. Đứng hai bên quan tài, ngoài gia đình thằng Đao, người ta còn thấy một gia đình khác gồm hai vợ chồng và một đứa bé trạc ba, bốn tuổi. Đó là gia đình đứa bé đã được thằng Đao cứu khỏi bàn tay tử thần chỉ trong gang tấc.

Những lời cầu kinh cùng những bản thánh ca không ngớt vang lên

Con đâu nuối tiếc chi giữa trần gian tội lệ, có người con thân mến và bạn bè vây kín con đây.Với những vòng khăn tang vội vã nước  mắt tiếc thương đau buồn, con vẫn trở về, trở về với Chúa, hồn trào ứ tiếng đáp ngọt ngào. Lạy Chúa con đây…*

Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi. Lúc con người nằm yên giấc ngủ mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa chẳng có nỗi buồn đẹp mãi niềm vui…**

Khi Chúa thương gọi tôi về.Hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ.Miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát.Ngàn dân tung hô , tôi thật vinh phúc…***

oOo

Quốc lộ 13 một buổi sáng đầu tuần. Xe cộ nườm nượp.

Đứng ở vạch vôi dành cho người đi bộ sang đường là một hàng người.Họ cứ nhấp nha nhấp nhô chờ cho ngớt xe để sang bên kia. Thế nhưng, hễ vừa bước tới một bước thì những cái xe tai quái lại xông tới, nên họ đành phải lùi lại. Có người suýt bị xe đụng. Đoàn người cứ rụt rè, rụt rè ,rụt rè… Trong đám người ấy hình như có tiếng thở dài và vài cặp mắt thất vọng dáo dác tìm kiếm… Đám đông ô hợp này đang thiếu một bàn tay chỉ huy.Tiếng ai đó u sầu :

– Phải chi có thằng Đao…

Tức thì nhiều tiếng đáp ứng :

– Phải đó. Nếu có thằng Đao… Nếu có thằng Đao…

– Tội nghiệp nó !

Bỗng một hồi còi dài huýt lên :

“Toét…toét…toét…”

– Ồ thằng Đao !

Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về phía trước. Hai người dân phòng đang chặn xe lại cho bà con qua đường. Môi họ mím chặt. Mắt họ vằn lên những tia máu. Họ đứng cách xa đoàn người. Có ai chậm chạp thì họ quát tháo : “Lẹ lên coi !”. Một đứa trẻ vì bị giục giã quá, luống cuống đánh rơi cặp sách, nó cúi xuống lượm lên thì nghe tiếng thét : “Lẹ lên, nhỏ ! Có cái cặp mà không xách nổi.”

Rồi đoàn người cũng  qua được .Họ lúp xúp đi như bị ma đuổi.

Kiều Đắc Thềm

Chú thích : *Một cuộc giã từ – – Văn Chi **Sự sống thay đổi- Phanxico *** Ngày về – Kim Long

NỮ SINH VIỆT

TỪ CHỐI VÀO ĐH HARVARD

Được cả 6 đại học ở Mỹ cấp học bổng toàn phần, cựu nữ sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã phát khóc khi phải lựa chọn ĐH Harvard hay Stanford. Cuối cùng, cô từ bỏ Harvard để đến với ước mơ ở Stanford.

Trước khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Hoàng Quyên gửi hồ sơ đến 6 trường đại học danh giá của Mỹ, gồm : Harvard, Stanford, Yale, Brown, Columbia và Chicago. Trong đó Harvard, Stanford là 2 trường mà Quyên “không hy vọng”. Thế nên hôm nhận điện thoại của trường Harvard gọi tới chúc mừng, Quyên lặng người vì… sốc.

Stanford, ngôi trường ước mơ từ năm lớp 10 của Quyên cũng khiến cô bất ngờ không kém vì không có bất kỳ tin tức gì từ sau khi nộp hồ sơ. Nhưng rồi cuối cùng niềm vui cũng đến khi bất ngờ cả 6 trường đều đồng ý cấp học bổng 100%.

Trước khi quyết định cấp học bổng, các trường cử người đại diện ở Hà Nội tới phỏng vấn Quyên trực tiếp. Cô chia sẻ, buổi phỏng vấn diễn ra tại quán cà phê, trong không khí thoải mái đúng kiểu “chuyện trò”.

“Trường Yale hơi căng, các trường còn lại em đều thấy thoải mái. Em ưng ý nhất buổi phỏng vấn với ĐH Harvard mặc dù lúc đầu hơi run. Họ hỏi những câu đơn giản và đời thường mục đích là để xác nhận xem con người thực của ứng viên có đúng như những gì đánh bóng trong hồ sơ không”, Quyên kể.

Lần lượt nhận được giấy báo của các trường, Hoàng Quyên rơi vào trạng thái stress vì phải lựa chọn. Nhớ lại thời điểm đó, cô nàng có phong thái tự tin và cách nói chuyện nhẹ nhàng tâm sự : “Có lúc em phát khóc vì không biết chọn trường trường nào. Harvard là ước mơ của bao người và bố mẹ em cũng thích. Nhưng sau khi tham khảo, em quyết định đi theo mong ước của mình”.

Hoàng Quyên chia sẻ, một trong số những người bạn từng học ở cả hai trường Harvard và Stanford đã giúp cô so sánh và đánh giá trước khi ra quyết định. Theo Quyên, Harvard và Stanford ngang nhau về chất lượng cũng như tiếng tăm. Nếu Harvard thiên về học thuật và nghiên cứu thì Stanford tạo môi trường thoải mái với nhiều hoạt động sôi nổi cho sinh viên. Nhận thấy đặc điểm ấy phù hợp với tính cách của bản thân, cộng với tình yêu Stanford, Quyên mạnh dạn từ chối Harvard.

Quyên chia sẻ, để sẵn sàng cho hồ sơ du học cần có quá trình tích lũy và chuẩn bị. Ước mơ du học được nữ sinh này ấp ủ từ năm lớp 10, khi tham gia Mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á SEALNET trụ sở ở Việt Nam (do ĐH Stanford sáng lập) với vai trò tình nguyện viên.

Là thành viên của SEALNET, Quyên có cơ hội làm quen với nhiều du học sinh Việt Nam đang học tại các trường nổi tiếng. Những câu chuyện về môi trường học tập, hoạt động ngoại khóa và sinh viên Stanford từ các anh, chị khiến Quyên mê mẩn rồi yêu ngôi trường ấy từ đó. Sau thời gian dài cùng thực hiện các dự án với SEALNET, hiện tại, cô đã là co-leader của Dự án Việt Nam 2012 ở Sài Gòn.

Năm ngoái, Quyên sang Singapore thực hiện dự án về người lao động nhập cư. Tại đây, cô tiếp xúc với những hoàn cảnh lao động bị bạo hành hoặc lạm dụng. Những chuyến đi cùng SEALNET giúp Quyên trải nghiệm và trưởng thành.

Năm lớp 11, khi đang là học sinh chuyên Anh của Hà Nội – Amsterdam, Quyên nhận được học bổng du học một năm tại trường Latin School of Chicago ở Mỹ. Quyên sống cùng gia đình người bản địa và thân với một cô bạn người Italy. Ngoài những môn văn hóa, Quyên còn được học nhiếp ảnh, lịch sử nghệ thuật. Cựu học sinh trường Ams cho hay, cô phải đọc rất nhiều và tự tìm hiểu các chủ đề lịch sử. Nhờ đó, điểm tổng kết của Quyên đạt 4.2 trong khi thang điểm cao nhất là 4.0.

Kết thúc một năm ở Latin School of Chicago, Quyên trở về học lớp 12 tại trường Amsterdam. Cô nàng tiết lộ, bạn bè, thầy cô ở Mỹ giúp đỡ rất nhiều để Quyên hoàn thành hồ sơ xin học bổng.

Có nền tảng tiếng Anh từ hồi còn học trường thực nghiệp, lên cấp 3 Quyên đỗ cả Hà Nội – Amsterdam và thủ khoa đầu vào chuyên Anh của trường Chuyên ngữ. Theo Quyên, ngoài tiếng Anh, các ứng viên cần chuẩn bị bài luận tốt và tích lũy các hoạt động xã hội. Với sinh viên Stanford tương lai, thế mạnh của cô cũng chính là những đặc điểm này.

“Hội đồng xét duyệt hồ sơ rất tinh nên chỉ cần nói quá những gì mình không làm hoặc chưa làm đều bị phát hiện. Họ đánh giá cao những ứng viên trưởng thành từ hoạt động xã hội. Có lẽ trong hồ sơ, hội đồng thấy mình phấn đấu từ thành viên lên leader ở SEALNET nên ấn tượng”, Quyên chia sẻ.

Bố Quyên làm việc cho một tổ chức văn hóa của Nhật Bản nên từ nhỏ, cô đã được bố uốn nắn và khuyên đọc nhiều sách. Nhờ đó Quyên có phông kiến thức nền và không bị sốc khi sống ở một môi trường văn hóa khác. Quyên tự nhận không biết làm việc nhà bởi đã có mẹ làm giúp. Ở nhà, cô chỉ việc học và tham gia các hoạt động tình nguyện.

Cởi mở và dễ gần nhưng Quyên hiếm khi tâm sự cùng bố hoặc mẹ. Khi có chuyện buồn, cô thích viết blog, đọc sách hoặc đi chụp ảnh cùng bạn bè. Trước khi sang Mỹ nhập học vào tháng 9 này, Quyên đang tận dụng thời gian bên gia đình, bạn bè và hối hả chuẩn bị cho dự án trong Sài Gòn.

Hiện, Quyên vẫn chưa quyết định chuyên ngành của mình tại ĐH Stanford nhưng cô nàng muốn sau này làm công việc được đi đây đó và gặp gỡ nhiều người.

IPhone 5 : CÓ NÊN

MUA HAY KHÔNG ?

Trong mấy ngày đầu ra mắt sản phẩm iPhone 5 vào ngày 21/9/2012 công ty Apple đã bán 5 triệu điện thoại di động trị giá 3 tỉ và không đáp ứng nổi lượng nhu cầu của giới tiêu thụ. Tuy không đủ hàng nhưng số lượng 5 triệu điện thoại được bán vẫn thấp hơn dự tính. Đa số các tiệm bán lẻ đã bán hết hàng và khách đặt mua điện thoại qua internet phải chờ đợi đến 4 tuần. Công ty Apple, thương nghiệp giàu nhất Hoa Kỳ, có tài thổi phồng các sản phẩm của mình qua chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho nên mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, giới tiêu thụ lại đổ xô đi mua. Và lần này cũng không khác gì những lần trước, mặc dù có nhiều bản phân tích cho rằng iPhone 5 không đáng tiền mua nhưng khách hàng trung thành của Apple vẫn cuồng nhiệt sắp hàng chầu chực ở các cửa tiệm bán lẻ 1 tuần trước khi iPhone 5 ra mắt thị trường.

Từ ngày ra mắt sản phẩm iPhone đầu tiên vào năm 2007, Apple đã nhắm vào giới “trẻ” với chiến dịch quảng cáo các sản phẩm của công ty là “mốt” thời thượng. Giới trẻ theo “mốt” thì giới “già” cũng theo luôn để còn được xem là trẻ và kết cuộc là công ty Apple trở thành thương nghiệp hàng đầu ở Mỹ. Ngoài ra Apple còn thi hành chiến lược ràng buộc khách hàng với sản phẩm của mình rất thành công. Điện thoại iPhone 5 ra mắt thị trường với giá bán từ $650-$850, nếu chịu ký hợp đồng 2 năm với hảng điện thoại di động thì có thể mua với giá từ $199-$399. Đây không phải là số tiền nhỏ cho nên trước khi bỏ tiền ra mua iPhone 5 ta cũng nên xem xét là có đáng tiền hay không ?

Điện thoại iPhone 5 có một chút thay đổi về hình dạng so với phiên bản iPhone 4S, nhưng về mặt kỹ thuật thì những cải tiến như màn hình lớn hơn và tốc độ kết nối 4G nhanh hơn không mấy gì đáng kể. Về ngoại hình thì iPhone 5 mỏng hơn với độ dày 7.6mm so với 9.3mm của 4S, nhẹ hơn, dài hơn, và mặt sau không còn là mặt kiếng; tuy nhiên iPhone 5 không phải là điện thoại đa năng (smart phone) mỏng nhất, địa vị đó thuộc Motorola Droid Razr (7.1mm). Những thay đổi khác về ngoại hình bao gồm cổng găm bộ ống nghe (earphone) được chuyển xuống dưới thay vì trên đỉnh máy như truyền thống và bộ thông loa to hơn. Về kỹ thuật thì Apple đã miễn cưởng tăng kích cỡ của màn hình từ 3.5 inch lên 4 inch, nhưng vẫn còn thua kém màn hình 5.5 in của điện thoại Galaxy Note II, 5 in của LG và 4.7 in của HTC. Tuy nhiên mật độ phân tử ảnh (pixel density) cùng với chiều ngang của màn hình thì vẫn y điện thoại 4S. Điện thoại iPhone 5 cài đặt sẵn hệ điều hành ios6 nhưng phiên bản này cũng có thể cài đặt vào điện thoại 4S. Những đặc điểm khác về kỹ thuật như khả năng tải dữ liệu với tốc độ 4G LTE nhanh hơn không đáng kể vì điều này còn tùy thuộc vào mạng truyền sóng của hãng điện thoại di động; ngoài ra bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) cũng được tăng từ 512MB lên 1GB. Máy hình vẫn là 8 chấm (megapixel) nhưng Apple đã thiết kế lại ống kính cho nên tốc độ chụp hình 40% nhanh hơn so với 4S và khả năng chụp hình khi thiếu ánh sáng cũng tốt hơn. Một chức năng mới là khả năng ghép toàn hình quang cảnh (panorama) tuy nhiên điều này cũng không phải là một cách tân chấn động vì những đối thủ cạnh tranh như HTC, Nokia, và Galaxy S đã có chức năng này trước đây.

Có vài thay đổi về thiết kế khiến giới hâm mộ iPhone cũng phải nhăn mặt và tốn thêm tiền đó là kích thước của cổng kết nối (connectivity port) mới với 19 ngấn nhỏ hơn cổng kết nối cũ với 30 ngấn. Cổng kết nối này là nơi sạc pin cũng như kết nối các thiết bị Apple và máy vi tính với nhau. Dây cắm cho cổng kết nối này có 8 chân cắm cho nên ai mua điện thoại iPhone 5 phải mua luôn dây cắm mới trong khi tất cả những sản phẩm cũ của Apple đều sử dụng dây cắm cũ. Có nghĩa là sẽ không thể kết nối iPhone 5 với iPad trừ khi mua thêm thiết bị tiếp hợp (adapter) với giá bán $30. Ngoài ra sản phẩm mới nhất của phiên bản iPhone này lại sử dụng nano sim dạng siêu nhỏ hơn micro-sim được dùng cho những phiên bản trước và hơn nữa không thể cắt micro-sim nhỏ hơn để dùng như đã từng làm với các loại sim thường, cho nên người tiêu thụ phải mua sim mới. Hai thay đổi về thiết kế nói trên đã cho thấy cách kiếm tiền khôn khéo của công ty Apple khi buộc khách hàng phải bỏ thêm tiền để mua các phụ kiện liên hệ.

Tóm lại thì phiên bản iPhone 5 không có ấn tượng về công nghệ kỹ thuật cao cũng như sự sáng tạo phá cách khi ra mắt thị trường nhưng vẫn được giới hâm mộ hớn hở đón chào vì trên thực tế một sản phẩm bán chạy không hẳn là sản phẩm tốt nhất mà chỉ cần được quảng cáo và thổi phồng. Đối với những người sở hữu 4S thì phiên bản mới này không tốt hơn mấy cho nên việc nâng cấp lên iPhone 5 không cần thiết. Tuy nhiên đó là quyền chọn lựa cá nhân, những người nào mua iPhone 5 sẽ góp phần vào việc kích thích kinh tế và tăng tổng sản lượng nội địa (GDP) thì cũng là việc tốt thôi. (theo Diễm Quyên)

Yên Huỳnh post

NHỮNG CUỘC SĂN TÌNH

TRÊN SÀN NHẢY

Những ai mới tới lần đầu cũng sẽ choáng váng với cụm từ ‘Hội đổi chồng, đổi vợ’. Có bà, thậm chí còn là ‘bà xã’ của những 8 ông. Phát triển nhanh theo nhu cầu của số đông, các sàn nhảy mọc lên như nấm. Nhiều người đã tìm thấy niềm đam mê và niềm vui lành mạnh khi đến các vũ trường. Thế nhưng, phía sau các sàn nhảy vẫn còn nỗi ám ảnh về những đổ vỡ hạnh phúc, rạn nứt niềm tin đến đắng lòng.

Một nhân viên của CLB khiêu vũ ở Nhà hát Bến Thành cảnh báo : “Hầu hết quý bà, quý ông đến đây đều có địa vị trong xã hội, lẩn tránh gia đình tìm vui nên không thể mang máy ảnh vào sàn nhảy”. Sàn nhảy này trước đây từng bị báo chí phơi bày là điểm nóng của giới đồng tính tuổi mới lớn tập trung quậy phá. Sau khi dẹp yên điểm nóng này, nơi đây tổ chức sàn nhảy dành cho lớp người ở tuổi trung niên. Hầu hết khách đến sàn nhảy này đều ở tuổi 40 trở lên, trong đó có một số cô gái trẻ. Họ nhảy theo nhạc “tua”, đi từ chachacha đến rumba, slow, tango… rất điệu nghệ.

Nhiều học viên đến các lớp này mang theo ba lô, túi xách lỉnh kỉnh như đi cắm trại. Trong lúc xã hội chưa có cái nhìn thoáng và đúng đắn về khiêu vũ cũng như những lý do tế nhị của gia đình, không phải ai đi học nhảy cũng muốn công khai cho người nhà và bạn bè, cơ quan biết. Do vậy mà giày, đầm, tất có khi được giấu trong những chiếc ba lô và cả trong những chiếc giỏ với đủ thứ được các bà các chị mua từ siêu thị.

Đằng sau những mục đích tốt đẹp là tới đây để thỏa đam mê và cải thiện sức khỏe, đã có nhiều kẻ xấu lợi dụng sự nhẹ dạ của quý bà, quý cô, kể cả quý ông giàu tiền lắm của, để trục lợi. Tại không ít sàn nhảy có nhiều vũ công sẵn sàng “chiều” khách đủ mọi chuyện. Một vũ công khoe anh ta làm việc ở sàn nhảy Bến Thành đã hơn 3 tháng và lần nào cũng vậy, chỉ cần các bà, các cô chịu chi mạnh thì mọi thỏa thuận cuối cùng đều được “giải quyết” tại một điểm bí mật nào đó. Địa điểm ấy thì chỉ hai người biết.

Những trai nhảy lỡ mang kiếp “đi giày cao gót” này có một vài người từng tham gia các vũ đoàn chuyên múa minh họa cho các ca sĩ nổi tiếng. “Chán lắm anh ơi, thu nhập bèo lắm, về đây làm nhẹ nhàng hơn”, Linh, một vũ công, nói rồi hướng mắt về một quý bà đang bước vào sàn nhảy cùng 3 người bạn.

Linh tiến đến xưng hô ngọt xớt : “Mình đi với ai vậy ?”. Quý bà giới thiệu 3 người bạn và như hiểu ý, Linh nhắn tin bằng điện thoại di động, trong phút chốc 3 chàng có vóc dáng cao to, gương mặt điển trai bước vào sàn nhảy và khi sàn nhảy tắt đèn, cả nhóm kéo nhau đi.

Cậu kể : “Nguyên tắc làm trai nhảy ở những nơi này là phải chọn những quý bà kém nhan sắc. Họ đều có tâm trạng nên bên cạnh những bước nhảy điệu nghệ phải biết lắng nghe và chia sẻ. Còn chuyện lên giường thì tính sau. Tháng rồi thằng bạn của em ‘đào’ được một chiếc SH, sau đó vài chục triệu đồng để phè phỡn với con bồ của nó. Hết tiền, nó lại tìm đến sàn nhảy này”. Rồi cậu ta cười : “Mấy tháng qua em đóng vai ông xã của 4 bà”.

Không lệ thuộc vào trai nhảy hoặc gái bao, một bộ phận khách đến sàn nhảy ở các vũ trường đã tìm tình hờ theo kiểu đồng cảm và không mất tiền. Thế nhưng, cái giá phải trả còn đắt gấp bội.

Ở các sàn nhảy này, những ai mới tới lần đầu cũng sẽ choáng váng với cụm từ “Hội đổi chồng, đổi vợ”. Tất nhiên đây là những cuộc “hôn nhân” không giá thú. Họ thích thì cứ đổi cho nhau. Nếu trai nhảy và gái bao có thị phần “kinh doanh” không thể bước vào lĩnh vực hoạt động của nhau thì những “ông xã”, “bà xã” này lại có quyền “gá nghĩa” từ sàn nhảy này đến sàn nhảy khác.

Chị Phương vốn giàu có, các con du học nước ngoài, chồng qua đời để lại gia tài kếch xù. Chị học khiêu vũ ở Trung tâm Văn hóa quận 1, sau đó sang CLB Hướng Dương chơi, rồi quen nhiều “ông xã”. “Vui lắm, đổi đào, kép để chơi cho sướng. Có mất gì đâu mà sợ”, chị hồ hởi cho biết. Hội của chị có đến 16 người, ở nhiều sàn nhảy, tối đến nhắn tin là có mặt. Từ chị, các bà bạn có nhu cầu đều tìm được nhiều “ông xã”, bản thân chị cũng là “bà xã” của khoảng 8 ông.

Trong đường dây của chị Phương, những “bà xã” thường tập kết mỗi sáng cùng dùng điểm tâm, bàn tá chuyện tối qua với “ông xã” của bạn mình. Không khí trở nên nặng nề khi con của một người trong hội báo tin mẹ cô đang cấp cứu trong bệnh viện vì bị đánh ghen. Một người trong hội lại kể them : “Anh Hùng đen, một tiểu thương ở chợ Thủ Đức, vừa bị ‘bà xã’ mượn chiếc SH và số tiền mua hàng vài chục triệu đồng để trong cốp xe ra đi không hẹn ngày quay lại”.

Chàng vũ công Linh buồn bã kể : “Em bị sốt mấy ngày liền, bốn ‘bà vợ’ chẳng thèm đến thăm. Hỏi ra mới biết họ có mấy thằng mới nên vứt mình. Bà nào cũng hứa sẽ mua cho em căn hộ chung cư nhưng chỉ toàn là hứa. Ngày mai em đi xét nghiệm máu…”.

Chị Phương bộc bạch : “Cái hội lập ra để thỏa mãn tình dục thôi nhưng giờ chị bị lên án quá trời. Bực nhất là bà bạn bị đánh ghen khai với công an phường, nói chị xúi thế là địa phương gửi giấy mời lên làm việc. Biết ăn nói với các con và gia đình bên chồng sao đây”.

Còn Mai, một cô vũ công ở sàn nhảy, buồn rầu kể : “Chiếc máy vi tính có chép một số hình tươi mát của mấy gã đàn ông khoái chụp lại cảnh ân ái từ sàn nhảy đến giường ngủ đã bị các ông truyền tay nhau xem. Khuya hôm qua, nhỏ bạn làm phục vụ ở quán Lương Sơn cho biết thấy trong máy điện thoại một số ông khách có hình khỏa thân của tôi khiến tôi mất ngủ cả đêm, và chỉ cầu mong sự bình yên”.

Có vô số nguyên nhân và cách lý giải về tình trạng các quý bà, quý ông ở tuổi “xế chiều” thích đi khiêu vũ. Thế nhưng, mẫu số chung đều là thích tìm vui, cặp bồ với những đào, kép trẻ. Một quý ông ngoài 50 tuổi là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty thành đạt, còn vợ làm giám đốc. Sau khi bà công khai cặp bồ với tài xế, ông liên tục chia tay nhiều cô bồ nhí, quyết không yêu theo kiểu phòng nhì mà tìm đào trẻ ở vũ trường. Mỗi ca nhảy vũ công nữ được ông trả 500.000 đồng, đi làm đêm từ 2 đến 3 triệu đồng. Ban đầu ông tập nhảy để giải sầu, mong nhận được sự chiều chuộng, sau đó ghiền và đêm nào cũng đến để tìm vui với nữ vũ công.

Cô nàng tên Minh từ Hậu Giang lên Sài Gòn lập nghiệp, có chút nhan sắc đã đi học khiêu vũ và làm quen vài đại gia trước khi bước vào nghề “ăn bánh trả tiền”. Minh nói : “Những cuộc tình chớp nhoáng từ những đại gia đủ để tìm một số vốn cho cuộc sống. Tôi cũng mê khiêu vũ lắm, lúc nhỏ thích được làm diễn viên múa. Nhưng đời xô đẩy mình vào cái nghiệp này, sống với cái nghề chia sẻ sự thiếu thốn tình cảm cho những người giàu có”.

Minh cho biết vừa tuyển vào sàn nhảy này 3 cô gái còn “nai tơ”, chưa biết nhảy theo nhạc “tua”, chỉ biết nhảy “nhạc rừng” (nghĩa là nhún nhảy loạn xạ theo nhạc) nhưng được cái xinh gái và có vẻ ngoài chịu chơi, lẳng lơ. Từ vũ công chuyển sang nghề huấn luyện, rồi “cai đầu dài”, Minh tự tin nói: “Cảm ơn những sàn nhảy dành cho quý bà, quý ông này. Đây là một thị phần mà không hèn lắm cũng chẳng sang hơn ai nhưng sống khỏe”.

Xuân Mai post (Theo NLĐ)