Bản tin số 137 – Ngày 16/5/12

“BẮT GIAM” HÒN ĐÁ

Sau khi thu hồi hòn đá của một hộ dân, chính quyền huyện Chư Sê (Gia Lai) đã cho làm chiếc lồng sắt để… giam hòn đá nặng hàng tấn và đặt tại trụ sở UBND huyện.

Như tờ Thanh Niên số ra ngày 2 và 3/4 đã thông tin, chỉ vì lấy 3 hòn đá trong rẫy của mình về nhà để chơi, bà Trần Thị Sắc và ông Lê Hùng Dũng ở xã H’bông, huyện Chư Sê bị khốn khổ đủ đường. Các cơ quan chức năng địa phương đã quy cho ông Dũng và bà Sắc là khai thác khoáng sản trái phép rồi tiến hành cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá này. Trong đó, chỉ có hòn đá của bà Sắc bị thu hồi thành công, còn 2 hòn đá của ông Dũng thì bất thành.

Điều lạ lùng là mặc dù cưỡng chế bất thành 2 hòn đá của ông Dũng, nhưng UBND huyện Chư Sê vẫn giao cho UBND xã H’bông… quản lý. Đến nay, không hiểu chính quyền xã “quản lý” ra sao mà 2 hòn đá của ông Dũng đã biến mất, không còn tại nhà ông này.

Còn hòn đá thu hồi của bà Sắc, dù đã đem về đặt trong khuôn viên UBND huyện, nhưng huyện Chư Sê vẫn cho làm một lồng sắt kiên cố để “nhốt” hòn đá có khối lượng trên 3 m3, nặng hàng tấn này. Nhiều người dân khi đi ngang đây đã không khỏi buồn cười rồi râm ran bàn tán vì lần đầu tiên chứng kiến chính quyền làm lồng sắt giam… đá. Ông Ksor Hiền, một người dân ở huyện Chư Sê, cười khà khà nói : “Mình thấy lạ hung ! Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá ! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất ? Buồn cười thiệt đó !”.

Trong chiều qua, dù chúng tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, để nghe giải thích từ phía huyện về việc “giam” đá nhưng ông này không nghe máy.

Quy trình “cưỡng chế” chưa phù hợp

Trước sự phản ứng của dư luận địa phương về việc cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá, trên trang web của UBND huyện Chư Sê, đã cho “trích dẫn” báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai nhằm chứng minh việc cưỡng chế là đúng pháp luật : “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 3 hòn đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được quy định tại luật Khoáng sản”.

Thế nhưng, trong báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, không hề có nội dung trên. Chiều 12/5, ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, khẳng định : “Chúng tôi không hề có báo cáo với nguyên văn như trên trong báo cáo ngày 16/4/2012. Trong quy trình tạm giữ 2 hòn đá tại nhà ông Dũng cũng có những vấn đề chưa phù hợp”. Cũng theo ông Du, trong báo cáo, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề xuất UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để mất 2 hòn đá tại nhà ông Dũng.

thụyvi post

Phía sau chuyện hòn đá bị giam

Hơn tháng qua, vụ thu hồi hòn đá do dân phát hiện trong rẫy mang về làm đá cảnh tại Chư Sê, Gia Lai vẫn chưa kết thúc. Hòn đá bị thu hồi đang được “nhốt” trong khung sắt tại sân trụ sở UBND huyện Chư Sê.

Có lẽ, cuối năm 2009, tại cuộc triển lãm sinh vật cảnh Festival cồng chiêng quốc tế ở TP Pleiku đã có một sự kiện làm giới chơi đá cảnh ở Gia Lai sửng sốt : một hòn đá mã não được cho có nguồn gốc tại xã H’Bông, huyện Chư Sê đã được định giá hơn 2 tỉ đồng. Sự kiện này thổi bùng phong trào săn lùng đá cảnh tại đây. Từ đó, giới chơi đá, kinh doanh đá nghệ thuật từ các nơi đổ về Chư Sê lùng mua.

Do đặc thù thổ nhưỡng, xã H’Bông như một vựa đá cảnh, đá phong thủy, thu hút giới chơi đá nghệ thuật sưu tầm, săn lùng nhiều năm nay.

Cũng giống như chơi cây cảnh, phong trào chơi đá cảnh lan dần ra, người dân địa phương cũng sưu tầm, tìm kiếm đá có hình thù kỳ thú, có màu sắc đẹp, đem về chế tác hoặc để nguyên thô, trưng bày trong sân vườn, trong nhà, khi có điều kiện có thể mua bán, đổi chác.

Sự việc gây khúc mắc, lùm xùm bắt đầu xảy ra ngày 28/3/2012, khi đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê lập biên bản tạm giữ tảng đá có khối lượng khoảng 3,2 m3 của bà Trần Thị Sắc. Tiếp đó ngày 29/3, đoàn kiểm tra tiếp tục lập biên bản tạm giữ tại nhà ông Lê Hùng Dũng (thôn Ia Sa, xã H’Bông) hai tảng đá có khối lượng 1,72 m3, giao UBND xã H’Bông quản lý.

Sau đó, hai tảng đá bị tạm giữ tại nhà ông Lê Hùng Dũng biến mất, còn tảng đá của bà Trần Thị Sắc đã được đưa về trụ sở UBND huyện Chư Sê cất vào “khung sắt” để bảo vệ. “Thật ra nếu chỉ dừng lại ở mức độ người dân sưu tầm chơi đá cảnh, đá nghệ thuật mang tính tiêu dao thuần túy thì chả ai bắt hay lập biên bản thu giữ đá làm gì. Khổ nỗi chuyện săn lùng, vận chuyển, mua bán đá trên địa bàn rất phức tạp, là thực trạng nhức nhối và đây là vấn đề xã hội nên mới có chuyện lập biên bản thu giữ như vài trường hợp vừa qua” – Bí thư Huyện ủy Chư Sê Nguyễn Văn Lành trao đổi với báo Tuổi Trẻ chiều 13/5. (theo Bảo Trung – TTO)

Hoàng Nguyễn post

ĐỪNG SỐNG BẤT ĐẮC CHÍ, XIN HÃY ĐỌC…

ĐỜI KHỞI NGHIỆP KHÓ KHĂN

CỦA CÁC TỶ PHÚ MỸ

Trước khi thành công, nhiều tỷ phú Mỹ từng làm các công việc rất nhỏ như bảo vệ, phụ việc và họ đã tạo ra hàng tỷ USD từ hai bàn tay trắng.

1/- Ước tính toàn bộ tài sản của Steve Jobs vào khoảng 5,1 tỷ đô la Mỹ, xếp hạng 43 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, trước khi thành công rực rỡ với Apple, công việc đầu tiên của Steve Jobs là nhân viên phụ việc trong hãng HP.

2/- Nữ hoàng truyền thông Mỹ Oprah Winfrey hiện có khối tài sản trị giá 2,4 tỷ USD, nhưng công việc đầu tiên của bà để kiếm tiền là bán hàng tại tiệm tạp hóa. Vài năm sau bà mới kiếm được công việc tốt hơn tại một đài phát thanh ở Chicago rồi từ đó khẳng định tài năng của mình.

3/- David Murdock, nhà kinh doanh giàu thứ 130 của Mỹ với tài sản 3 tỷ USD. Ông từng làm nhân viên bán xăng rồi gia nhập quân đội. Sau khi giải ngũ ông mới tham gia vào thị trường bất động sản và trở nên giàu có.

4/- Charles R. Schwab, người sáng lập và Chủ tịch hãng tài chính, người giàu thứ 67 của Mỹ với 4,7 tỷ USD. Ông từng bán hạnh nhân và trứng gà khi còn ở quê nhà. Ông còn mắc chứng khó đọc nhưng vẫn làm nên sự nghiệp lớn.

5/- Trước khi có trong tay 1,8 tỷ USD, John Edward Anderson thời niên thiếu từng bán bắp rang bơ tại rạp chiếu phim ở quê nhà.

6/- Leonardo Del Vecchio, nhà thành lập mắt kính lớn nhất thế giới Luxottica. Ông lớn lên trong cô nhi viện và làm công nhân trong hãng sản xuất nhựa mắt kính, nhựa ô tô. Từ đó ông lập nên công ty sản xuất mắt kính của riêng mình. Khối tài sản của ông lên đến 10,5 tỷ USD.

7/- John Paul DeJoria, tài sản 4 tỷ USD. Ông phải đi bán thiệp Giáng sinh từ khi 9 tuổi để kiếm tiền giúp mẹ, rồi từng làm các công việc gác cổng đến nhân viên bán bảo hiểm trước khi thành công với Paul Mitchell Systems chỉ với 700 USD vốn khởi nghiệp.

8/- Larry Ellision, người đứng thứ tư trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn. Nhưng ít ai biết rằng đến năm 32 tuổi ông vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Ông học 3 trường đại học nhưng không có chiếc bằng nào, chuyển đến hơn 10 công ty và bị vợ bỏ. Sau đó, với 1.200 USD khởi nghiệp, ông gây dựng được sự nghiệp với công ty phần mềm doanh nghiệp danh tiếng Oracle và có gia tài 28 tỷ USD.

9/- T. Boone Pickens, chủ tịch Quỹ Q. Khối tài sản của ông ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, nằm trong top 400 người giàu nhất nước Mỹ. Ông từng là người đưa báo buổi sáng và sau đó thành lập được Petroleum Exploration chỉ với 2.500 USD tiền vốn.

10/- Ray Dolby là chủ và cũng là cha đẻ của hệ thống xử lý âm thanh đa chiều, có khối tài sản 3,5 tỷ USD. Ông bắt đầu công việc đầu tiên của mình ở vị trí của một người điều khiển máy chiếu phim.

11/- Người trẻ tuổi nhất và cũng được coi là thuận lợi nhất là Mark Zuckerberg đã sớm có thành công và gia tài lớn là Facebook và 4 tỷ USD.

Quế Phượng post (theo Vũ Hà Yahoo News)

THĂM NGÔI CHÙA

TRINH TIẾT

Từ hàng trăm năm nay, chùa Trinh Tiết ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam được người dân nơi đây coi là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Tuy nhiên, ngoài cái tên Trinh Tiết, xung quanh chùa còn có những câu chuyện và hiện tượng kỳ lạ khó lý giải mà điển hình nhất là hòn đá có khả năng tự lớn.

Xuất xứ tên chùa Trinh Tiết

Theo những tài liệu ghi chép còn lại thì không rõ ngôi chùa xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết, cái tên Trinh Tiết thì mãi đến thế kỷ XIV mới có và gắn với tên tuổi của một công chúa nhà Trần.

Trong những tài liệu lịch sử về chùa Trinh Tiết có ghi rằng : Vào giai đoạn hậu kỳ nhà Trần, chế độ cai trị thối nát, bá tánh rơi vào lầm than. Hồ Quý Ly nổi dậy ép vua Trần Thuận Tông đi tu ở Cung Bảo Thanh và nhường ngôi lại cho Thái tử Trần Án lúc đó mới ba tuổi. Lúc đó, võ tướng Nguyễn Bằng được lệnh cho đem công chúa Trần Thị Bạch Hoa vừa tròn 17 tuổi chạy trốn. Khi chạy đến Kẽm Trống nằm bên dòng sông Đáy thì lên bờ tìm nơi ẩn dật. Nơi được chọn là núi Bồ Đà thuộc dãy Cầm Long. Trên núi này có một ngôi chùa hoang, lâu ngày không có ai đèn nhang, tụng niệm.

Sau khi chọn được chốn ẩn cư, công chúa đã ở đây đến hết đời và khi chết vẫn còn là “trinh nữ”. Vì thế, sau đó, người dân đã đặt tên cho ngôi chùa trên núi Bồ Đà là chùa Trinh Tiết.

Ông Đỗ Hữu Kỳ ở thôn Động Xuyên kể lại : miền Bắc vào thời chống Mỹ, có một đôi trai gái làng Động Xuyên tên Thụy Vân và Hùng. Trước khi lên đường vào Nam, đôi trai gái này lên chùa Trinh Tiết thề non hẹn biển rằng, hai người nguyện sống chết bên nhau và giữ trọn trinh tiết của mình. Về sau người con trai tên Hùng đã hy sinh nơi chiến trường. Biết tin đó, Thụy Vân thẫn thờ rồi đến bên chân núi Bồ Đà nơi có chùa Trinh Tiết để tự tử. Từ câu chuyện này nên người dân nơi đây đã cho rằng, chùa Trinh Tiết là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái.

Hiện nay, trên đỉnh núi Bồ Đà còn có một lăng mộ có tên là Lăng Quy tượng. Cũng theo ông Kỳ, trong lăng có rất nhiều tượng cổ. Mỗi pho tượng cao từ khoảng 80cm – 1m với nhiều chất liệu khác nhau như đá, gỗ, đồng…

Cách đây chừng chục năm, nhà chùa cùng chính quyền địa phương đã cho quy tập những pho tượng này lại và chôn trên đỉnh núi. Vì những ngôi mộ này chôn tượng nên người dân đặt cho khu mộ là Lăng Quy tượng.

Hòn đá tự lớn

Nếu tìm hiểu lịch sử chùa Trinh Tiết, nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì những điều kỳ ẩn trên ngọn núi thiêng. Đó là chuyện về một hòn đá tự lớn lên như một chàng thanh niên lực lưỡng. Hòn đá đó nằm ở vị trí cao nhất của núi Bồ Đà.

Theo quan sát, hòn đá cao khoảng 1,6m bán kính 1m, có hình mũi chông. Ông Trưởng thôn Động Xuyên quả quyết với rằng : Ngày còn bé ông cùng đám trẻ con lên núi chơi thấy mỏm đá này mới chỉ cao ngang lưng người, nhưng giờ nó đã lớn đến ngang vai. Hồi đó, ngôi chùa bị hoang hóa do không có người ở. Trên núi rừng rậm, thâm u, dưới chân núi lại là một bãi nghĩa địa, chỉ có đám thanh niên choai choai thích thể hiện mới dám trèo lên ngọn núi để chứng tỏ bản lĩnh không sợ ma của mình.

Hòn đá kỳ lạ trên không những có khả năng “tự lớn” mà khi gõ nó còn phát ra âm thanh lạ. Bởi có sự phát hiện này, vì khi lên núi chơi đám thanh niên đã dùng đá ném nhau, không may một số viên đá rơi trúng mỏm đá trên và thấy có tiếng kêu lạ. “Âm thanh phát ra từ mỏm đá trầm, vang như tiếng chuông đồng”.

Để minh chứng ông trưởng thôn dẫn chúng tôi lên hòn đá kỳ lạ trên và cầm một cục đá khác đập vào. Sau mỗi lần gõ, từ hòn đá phát ra âm thanh bùng bùng nhưng không vang như lời kể.

Ông Kim năm nay 74 tuổi, có 20 năm trông giữ chùa Trinh Tiết cũng khẳng định : Hòn đá có khả năng tự lớn lên là có thật. Vì việc này rất kỳ lạ nên dân làng Động Xuyên đặt tên cho hòn đá là Tượng Bụt Mọc và đặt dưới chân hòn đá một bát hương để tháng ngày nhang khói. Việc hòn đá tự lớn có thể thấy được qua năm tháng. Tuy nhiên, việc đo xem mỗi năm hòn đá lớn thêm bao nhiêu thì chưa ai làm.

Lan caysu post (Theo Afamily)

CON ĐƯỜNG HÓA RỒNG

CỦA LÝ TIỂU LONG

Ra đi ở tuổi 33 nhưng Lý Tiểu Long (Bruce Lee) vẫn mãi được coi là một tượng đài võ thuật của điện ảnh.

Mặc dù trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Lý Tiểu Long chỉ tham gia một số ít phim nhưng hình ảnh của anh trên thế giới vẫn luôn vững vàng và mạnh mẽ như nắm đấm huyền thoại của chính anh. Mất ngày 20/7/1973, nhưng cho đến lúc này và chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa, Lý Tiểu Long sẽ mãi được nhắc tới như một biểu tượng kungfu.

Năm 1966, Bruce Lee đóng cặp cùng Van Williams trong serie phim truyền hình Mỹ có tên Green Hornet. Đây là bộ phim đưa anh đến với công chúng Mỹ. Việc chọn Bruce Lee tham gia Green Hornet cũng là một quyết định táo bạo, bởi lẽ vào thời điểm đó, hầu như chẳng có hãng phim nào cho rằng một người châu Á có thể đảm nhận vai chính thành công. Trên thực tế, Lý Tiểu Long sinh ra ở Mỹ (sinh ngày 27/11/1940 tại San Francisco) nhưng lại lớn lên ở Hong Kong.

Cậu thanh niên Lý Tiểu Long thường xuyên đánh nhau trên đường phố, điều này đã khiến tháng 4/1959, bố mẹ quyết định đưa anh trở lại San Francisco để sống với chị gái. Tại đây, Lý Tiểu Long làm công việc hầu bàn, học xong trung học, và bắt đầu tự học kung fu.  Sau khi tốt nghiệp trung học, Lý Tiểu Long theo học khoa kịch nghệ tại đại học Washington. Tuy nhiên, năm 1964, anh bỏ ngang để xây dựng một võ đường ở Oakland, California.

Năm 1965, thất vọng với màn trình diễn của mình tại một giải thi đấu võ thuật, Lý Tiểu Long đã tự tạo ra một loại võ riêng. Anh gọi nó là Tiệt quyền đạo (nhưng ở Việt Nam, nó có cái tên phổ biến hơn là Triệt quyền đạo). Môn võ này có tính linh hoạt hơn rất nhiều so với các môn võ khác. Lòng quả cảm của Lý Tiểu Long được thể hiện trong các trận đấu ở cả trên sàn đấu lẫn ngoài đường phố. Năm 1966, Lý Tiểu Long nổi tiếng sau khi hạ gục một đối thủ – kẻ yêu cầu anh phải ngừng nhận học trò không phải là người Trung Quốc. Trong suốt cuộc đời của mình, Lý Tiểu Long luôn phải không ngừng chiến đấu.

Cũng trong năm 1966, Lý Tiểu Long bắt đầu được Hollywood để ý đến. Sau đó, anh có cơ hội tham gia đóng phim Green Hornet. Trong 2 mùa sau đó, Lý Tiểu Long xuất hiện nhiều lần với vai trò là khách mời với những vai phụ. Năm 1969, Lý Tiểu Long có một vai diễn nhỏ trong bộ phim Marlowe. Nhận thấy người Mỹ chưa sẵn sàng với một nam diễn viên người châu Á đảm nhận vai chính nên anh quyết định trở lại Hong Kong và tham gia một loạt bộ phim hành động từ năm 1969 bắt đầu với phim Đường Sơn Đại Huynh, Tinh Võ môn, Mãnh Long Quá Giang… và phim cuối cùng nhưng dở dang là cuốn Giỡn mặt Tử Thần. Các phim này Lý Tiểu Long đều đóng vai chính bên nữ tài tử Miêu Khả Tú (trừ phim cuối cùng) do hãng phim Gia Hòa (Golden Harvest) sản xuất.

Năm 1970, Lý Tiểu Long tham gia Way of the Dragon. Bộ phim có một cảnh đánh nhau khó quên giữa anh và Chuck Norris. Thời điểm đó, Chuck Norris vẫn là một cái tên mới mẻ. Năm 1973, Lý Tiểu Long có cơ hội tái xuất với Hollywood khi tham gia Enter the Dragon. Đây là bộ phim do hãng Warner Brothers hợp tác sản xuất cùng Golden Harvest (Gia Hòa công ty) của Hong Kong. Kinh phí làm phim là 850.000 USD và doanh thu là khoảng 90 triệu USD

6 ngày trước khi Enter the Dragon ra rạp, Lý Tiểu Long qua đời vì chứng phù não. Ngày 20/7/1973, khi đang ở nhà một nữ diễn viên Đinh Phối người Đài Loan, Lý Tiểu Long kêu đau đầu, anh uống thuốc giảm đau, chợp mắt và rồi không bao giờ tỉnh dậy. Cái chết của Lý Tiểu Long được cho là do dị ứng với thuốc giảm đau kết hợp với chấn thương não trước đó của anh..

Tin đồn xung quanh cái chết của Lý Tiểu Long vẫn không ngừng xuất hiện. Một số người cho rằng anh bị hội Tam hoàng của Hong Kong ám sát, bị bỏ bùa mê và chết vì một kiểu sex “bí truyền” của người châu Á. 20 năm sau cái chết của Lý Tiểu Long, con trai anh là Brandon cũng qua đời do một tai nạn khi đang đóng phim The Crow. Trong lúc thực hiện cảnh bắn súng, một viên đạn trong khẩu 44 đã bắn trúng người Brandon (đáng lẽ khẩu súng không có đạn). Khi đó, Brandon mới tròn 30 tuổi. Điều này càng làm xuất hiện thêm nhiều tin đồn về gia đình Lý Tiểu Long.

Sau khi Lý Tiểu Long qua đời, hãng Golden Harvest quyết định hoàn thành bộ phim dang dở mà Lý Tiểu Long phải tạm ngưng để tham gia Enter the Dragon. Bộ phim đó có tên Game of Death và ra mắt vào năm 1978. Để lấp khoảng trống mà Lý Tiểu Long để lại, trong một cảnh phim, đoàn làm phim đã sử dụng “tiểu xảo” như dùng ảnh khuôn mặt có kích thước như thật của Lý Tiểu Long để phản chiếu trong gương. Tuy nhiên, không xử lý cẩn thận, khi chiếu phim, lỗi này đã bị phát hiện.

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65 của Lý Tiểu Long, ngày 27/11/2005, người ta đã dựng một bức tượng Lý Tiểu Long bằng đồng trên đại lộ Ngôi sao ở Hong Kong.

Hình ảnh của Lý Tiểu Long trong Game of death: http://youtu.be/tqq9uwyihKE

Cao Bồi Già post (theo Hồng Giang – BĐVN)

CHUYỆN NHÂN QUẢ

Châu Sư Huynh từ học viện tịnh tông ở Úc đến Singapore, đang cùng với nữ cư sĩ bị cục bướu trên mặt và Tịnh Không lão pháp sư bàn luận về câu chuyện cục bướu trên mặt của người bệnh này, đối với những người tu học như chúng ta có ý nghĩa giáo dục rất lớn.

Đó là nhân quả báo ứng theo mỗi chúng ta, bất cứ ai trên thế gian này, chỉ có điều là hình thức biểu hiện của nó không giống nhau. Trên con đường tu học chúng ta phải luôn tinh tấn, chân tu thật luyện, như thế mới có thể cải biến vận mệnh của mình. “Đây là bức hình của một vị nữ sĩ người Singapore, trên mặt nổi một cục bướu to hình người, miệng trên cục bướu hình người này không chỉ có thể ăn cơm mà còn có thể nói chuyện.

Hiện tại cô đang sống ở Tây Tạng, mỗi ngày đều có một vị Hoạt Phật giảng kinh thuyết pháp cho cô” để bớt đi nghiệp chướng.

Trích chuyện 10 kiếp có cục bướu hình người

Vị cao tăng thuật lại câu chuyện là Ngộ Đạt quốc sư 10 kiếp bị cục bướu hình người ở đầu gối. Oan gia trái chủ của ông đã theo ông suốt 10 kiếp. Dưới đây là những lời ghi âm lại trong cuộc trò chuyện của Tịnh Không lão Hòa Thượng. Các vị hãy xem tiếp “từ bị tam muội thuỷ sám”, xem cục bướu trên đầu gối của Ngộ Đạt quốc sư, lúc được tôn giả Ca-nặc-ca điều trị mới hiểu rõ nhân quả của nó. Oan gia trái chủ của ông đã theo ông suốt 10 kiếp, mỗi kiếp đầu thai đều muốn đòi ông trả thù. Hai người tiền kiếp đã kết oán ra sao ?

Vào thời vua Hán, Ngô Sở Phản dùng mưu lược của Viên Áng chu di Triều Thác.

Triều Thác bị hãm hại mà chết, căm hận trong tâm, thề quyết báo thù. Nào ngờ Viên Áng về sau xuất gia làm cao tăng, có Hộ Pháp Thần phù trợ, đời đời kiếp kiếp đều có đức, đều chuyên tâm tu hành. Đời thứ 10 làm quốc sư, chính là Ngộ Đạt quốc sư, thầy của hoàng đế. Hoàng đế cung dưỡng cho ngài trầm hương bảo tọa. Chúng ta đều biết một ký trầm hương cũng phải tốn mấy trăm triệu.

Ngài tiếp nhận trầm hương bảo tọa, trong tâm sinh ra ngạo mạn, cảm thấy mình rất giỏi, không ai sánh được. Một điểm ngạo tâm này nảy sinh, bao nhiêu công đức mười năm tu hành đều tiêu tan. Một niệm đầu kiêu căng, ngạo mạn, cho mình là hơn hết khiến Hộ Pháp Thần bỏ đi, ma quỷ vây lấy thân, chút xíu là mất mạng.

Lại có một câu chuyện, các vị đồng tu chúng ta nghe nói rất nhiều về Ngộ Đạt Quốc Sư. Chúng ta thường hay làm lễ “tạt nước”, lễ “tạt nước” chính là do nguyên cớ này mà ra. Ngộ Đạt quốc sư bị một cái bướu mặt người, được tôn giả Ca-nặc-ca, một vị La Hán cứu giúp. Tôn giả Ca-nặc-ca sống ở Tứ Xuyên đại lục, đạo trường của A La Hán.

Phàm phu tục tử như chúng ta đến đó chỉ thấy núi non hoang dại, trên núi không thấy một bóng cây. Vị quốc sư này và tôn giả Ca-nặc-ca có duyên từ trước, biết ngài sẽ gặp nạn nên biến thành một lão ăn mày, thân mang đầy ghẻ lở, vừa hôi thối vừa xấu xí. Người mang đầy ghẻ lỡ này cố tình đến gần để Ngộ Đạt Quốc Sư trông thấy, lúc ấy ngài vẫn chưa được phong Quốc Sư, vẫn là một vị xuất gia, danh tiếng chưa có, nhưng khi thấy tình cảnh đáng thương, trong lòng nảy sinh niềm cảm thương, muốn quan tâm, giúp đỡ và điều trị vết thương cho lão ăn mày. Những cục bướu trên mặt đều nổi đầy mủ, ngài dùng miệng hút từng vết mủ trên mặt. Sự quan tâm như thế không phải ai ai cũng làm được.

Chính vị La Hán này muốn khảo nghiệm ngài. Khi bệnh tình đã được bình phục, vị A La Hán này liền nói “sau này ngài sẽ gặp phải đại họa, trong cơn đại họa hãy tìm ta, ta sống ở ngọn núi bên kia Tứ Xuyên, trên núi còn có hai cây thông. Ngài hãy đến trước cây thông rung nhẹ, hô to tên của ta, ngài sẽ gặp được ta”.

Về sau đạo hạnh của ngài ngày càng cao, danh tiếng càng lúc càng vang xa, làm đến chức Quốc Sư. Một chút kiêu căng, ngạo mạn mà nổi bướu khắp người, chữa trị thế nào cũng không khỏi. Lúc ấy ngài mới nghĩ đến gã ăn xin trước đây, trước đây ta có cứu ông ấy, ông còn dặn ta lúc gặp nạn hãy đến Tứ Xuyên gặp ông ấy. Theo những lời ông ấy dặn, ngài đến một nơi quả nhiên có hai cây thông, ngài rung nhẹ cây thông, hô to tên “Ca-nặc-ca”.

Ngay khi hô to, đạo trường xuất hiện, mới biết thì ra người trước đây chính là A La Hán biến hóa. Ca-nặc-ca dùng nước tam muội từ bi rửa sạch vết thương cho ngài. Cho nên “lễ tạt nước” bắt nguồn từ truyền thuyết này. Đạo trường của tôn giả Ca-nặc-ca, phàm phu như chúng ta không thể nào thấy được. Cho nên có thể nói vạn vật trên thế gian gần mà chẳng gần, chẳng gần mà gần. Thế giới cực lạc của mười phương chư Phật cũng không phải là ngoại lệ.

Yên Huỳnh post

Bình luận về bài viết này